NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SÀI GÒN


Nhà Thờ Chính Toà Đức Bà Sài Gòn là công trình kiến trúc và biểu tượng du lịch đặc biệt của TP HCM, một tuyệt tác kiến trúc Roman – Gotich được thực hiện bởi kiến trúc sư người Pháp J.Bourad, đã hiện diện tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định 143 năm qua ( 1880 – 2023 ). Nơi đây còn là chốn linh thiêng diễn ra biết bao sự kiện quan trọng trong giáo phận từ 1880 đến nay.
I. NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN
1. Nhà thờ Sài Gòn thứ nhất.
Năm 1859, giám mục đại diên Tông toà Giáo phận Tây Đàng Trong – Sài Gòn ( Đức Cha Dominique Lefèbvre ) xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên tại Đường số 5 ( nay là Ngô Đức Kế ) với mục đích phục vụ nhu cầu mục vụ, cần nơi chốn cho việc cử hành Thánh lễ và các Bí tích. Nhà thờ trước kia là ngôi chùa nhỏ bị bỏ hoang trong chiến trang, Đức Cha Dominique đã cho sửa chữa lại thành ngôi Nhà thờ Công giáo.
2. Nhà thờ Sài Gòn thứ hai.
Vì nhà thờ đầu tiên quá nhỏ nên vào năm 1863, Đô đốc Victor Auguste Duperré đã quyết định cho khởi công xây dựng ở nơi khác một nhà thờ khác bằng gỗ bên bờ "Kinh Lớn" (còn gọi là kinh Charner – nằm giữa đường Nguyễn Huệ bắt đầu từ bến Bạch Đằng thẳng đến trước cổng Uỷ ban Nhân dân Thành phố ngày nay). Đức cha Dominique Lefèbvre tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ vào ngày 28 tháng 3 năm 1863 và hoàn thành vào năm 1865, được gọi là Nhà thờ Saigon. Tuy nhiên, vì được xây bằng gỗ, nên nhà thờ sớm bị mối mọt tàn phá.
Lễ khánh thành nhà thờ được chính quyền Pháp xây dựng tại Sài Gòn
3. Nhà thờ Sài Gòn thứ 3 ( nay là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn )
Để chuẩn bị cho một ngôi nhà thờ kiên cố, bền vững theo dòng thời gian, xứng tầm nhà thờ trung tâm của vùng đất đang phát triển mạnh mẽ và là nhà thờ của các giám mục giáo phận Tây Đàn Trong. Tháng 8 năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án thiết kế nhà thờ mới.
Vượt qua 17 đồ án thiết kế khác, đồ án của kiến trúc sư J. Bourard với phong cách kiến trúc Roman cải biên pha trộn nét phong cách kiến trúc Gothic đã được chọn và cũng là người trúng thầu, trực tiếp giám sát công trình. Với những địa điểm đề xuất và lựa chọn, trước tiên là trên nền Trường Thi cũ (nay là góc đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng, tức vị trí tòa Lãnh sự Pháp), tiếp theo ở khu Kinh Lớn (tại vị trí nhà thờ cũ, nay thuộc đường Nguyễn Huệ), nhưng cuối cùng vị trí hiện tại đã được chọn cho ngôi thánh đường hiện diện suốt 143 năm qua.
Vào đúng dịp lễ Phục Sinh (11/04/1880), Thánh lễ làm phép và khánh thành Nhà thờ Sài Gòn, các vật tư chính xây dựng nhà thờ từ xi măng, sắt thép, ngói, kính màu, chuông,.. đều được mang từ Pháp sang. Khi hoàn thành, nhà thờ chỉ cao tới phần gác chuông. Đến năm 1895, theo thiết kế bổ túc hai tháp dạng hình chóp nhon được lắp dựng thêm trên gác chuông cùng với thánh giá lắp đặt trên đỉnh tháp, nên chiều cao công trình kể từ mặt đất đến đỉnh thánh giá đã đặt tới độ cao khoảng 60,5m.
Trước Nhà thờ Đức Bà là quảng trường nơi giao nhau của bốn con đường, tạo hình thánh giá mà trung tâm là bức tượng Đức Mẹ Hoà Bình với vườn hoa xung quanh. Tại đây, vào năm 1902, chính quyền Pháp đã cho xây dựng một bức tượng đồng Đức Cha Bá Đa Lộc, tượng đồng chế tác ở Pháp và chuyển bằng tàu thuỷ đến Sài Gòn.
Năm 1945 hai bước tượng này không còn nữa, đến năm 1959 tượng Đức Mẹ được đặt trên bệ đá cũ nơi đã dựng tượng đồng Đức Cha Bá Đa Lộc trước đây. Từ đó Nhà thờ Sài Gòn có tên gọi là Nhà thờ Đức Bà và quảng trường phía trước được gọi là Quảng trường Đức Bà Hoà Bình.
II. NÉT ĐỘC ĐÁO VÀ SỰ XUỐNG CẤP CỦA NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ ĐỨC BÀ SÀI GÒN.
Nhà thờ Chính Toà Đức Bà Sài Gòn là một tuyệt tác kiến trúc Roman – Gotich được thực hiện bởi kiến trúc sư người Pháp J.Bourad, công trình ghi nhận sự du nhập, giao lưu và tiếp biến của văn hoá – kiến trúc Đông - Tây, thể loại công trình thuộc nền văn hoá phương Tây nhưng được xây dựng ở phương Đông, với kết cấu và vật liệu mới, nhưng lại phù hợp với các điều kiện xã hội và khí hậu bản xứ.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là một công trình khá đặc biệt về quy hoạch, nằm giữa không gian giao thông với các con đường bao quanh (Lê Duẩn, Công xã Paris và Nguyễn du), sát cạnh Bưu Điện Thành phố ngay trong tâm quận 1. Mặt chính nhà thờ quay về hướng Đông Nam (đường Nguyễn Du), lưng quay về phía đường Lê Duẩn, không có hàng rào và khuôn viên xung quanh như các nhà thờ khác ở vùng Sài Gòn – Gia Định lúc ấy và bây giờ.
Là một điểm nhấn trong không gian đô thị, có góc nhìn đẹp từ mọi phía, nhà thờ nhìn ra một vườn hoa có tượng đài Đức Mẹ Hoà Bình cách nhà thờ một con đương phố.
Mặt bằng nhà thờ được thiết kết theo hình thánh giá, toàn bộ chiều dài nhà thờ là 91,5m tính từ cửa ngăn đến cuối phòng đọc kinh, chiều ngang 35,6m, chiều cao từ nền đến trần của thánh đường khoảng 21m, sức chứa của nhà thờ có thể đạt tới 1.200 người.
Không gian bên trong nhà thờ nhìn từ dưới lên
Ngoài ra, bên trong nhà thờ còn chứa đựng những câu chuyện, vẻ đẹp về chất liệu xây dựng và không gian như: kiến trúc sư đã thành công trong việc kết hợp hài hoà giữa kiểu mái ngói Việt với mái ngói Tây, nét độc đáo của phần tường gạch và gạch trang trí, bộ chuông cổ, hai chóp tháp chuông, đồng hồ cổ, đàn organ ống, những dòng chữ trên 3 cửa chính, kính màu, các góc cầu nguyện, bàn thờ đá nguyên khối, Chặng Đàng Thánh Giá, đèn chùm trang trí và chiếu sáng, nơi an nghỉ của các giám mục. Để hiểu và biết thêm về không gian bên trong, các bạn ghé chơi Nhà có thể xem qua cuốn “Nhà thờ chính toà Đức Bà Sài Gòn qua dòng thời gian 1880 – 2015”.
Qua một khoảng thời gian dài tồn tại, Nhà Thờ Đức Bà không tránh khỏi những ảnh hưởng của thời gian, mái ngói và phần tường gạch đã bị hư hại trầm trọng, phần tương gạch cũng có nhiều chỗ bị phong hoá, nhiều khoảng tường mang đầy những nét viết, vẽ,.. cần được tẩy sạch, những không gian khác như bộ chuông, hai tháp chop chuông, đồng hồ cổ,… cũng bị ảnh hưởng về cấu trúc do thời gian sử dụng quá dài.
Ngày 1.7.2017, Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn bắt đầu cuộc đại trùng tu và dự kiến đến năm 2027 sẽ hoàn thành.
III. NGỒI NGẮM NHÀ THỜ ĐỨC BÀ QUA Ô CỬA SỔ NHỎ TẠI NGƯỜI TÁM CHUYỆN HOUSE.
Thật may mắn khi mỗi ngày được ngồi trong căn phòng nhỏ này phóng tầm mắt qua phía bên ngoài ô cửa sổ nhỏ để thấy Nhà Thờ Đức Bà vẫn hiện hữu thật cổ kính và một Sài Gòn thở bình an, Nhà vẫn ở đây, vì cái duyên gặp gỡ, gìn giữ mọi thứ thật nhẹ nhàng, không cầu kỳ, không hối hả, bên những tách trà và cùng nhau trò chuyện.
Thực hiện: Quốc Hải | Theo: Toà Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh | Ảnh: Toà Tổng Giám Mục TPHCM.